Hang Thẳm Mjà còn có tên gọi khác là Hang Tiên. Đây là một hang khá lớn trên dãy núi Tiên, gần khu vực Ao Tiên nằm ở phía Bắc hồ Ba Bể thuộc địa phận Vườn quốc gia Ba Bể. Hiện nay, con đường đến hang thuận tiện nhất là đi bằng thuyền trên hồ, rồi leo bộ lên. Các nẻo đường khác đi trên bộ đến hang đều gặp những khó khăn do sườn vách núi cheo leo hiểm trở. Trên bề mặt hang có nhiều tảng đá khối to từ trên trần hang rơi xuống khiến một phần bề mặt hang nhấp nhô, giật cấp dốc từ trong ra ngoài. Trần hang cao với ít nhũ đá, măng đá buông rủ và phần lớn diện tích hang nhận được ánh sáng tự nhiên.
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, dấu tích của người tiền sử tìm thấy ở mọi nơi trong hang, nhưng khu cư trú chính tập trung ở khu vực ngoài cửa hang. Qua quá trình khảo sát và nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã thu được hàng chục di vật đá với các loại hình khác nhau như rìu, dao, cuốc tay, công cụ chặt đập thô, công cụ nạo cắt, chày nghiền, cùng nhiều đá nguyên liệu. Đặc trưng nổi bật của bộ sưu tập là việc sử dụng những hòn đá cuội sông suối để chế tác công cụ.
Nghiên cứu kỹ thuật gia công đá cho thấy kỹ thuật chủ đạo trong chế tác công cụ của người Thẳm Mjà là ghè đẽo trực tiếp, nhưng đã khá thành thục, các nhát ghè chuẩn xác, rìa lưỡi công cụ được tu chỉnh khá cẩn thận. Cùng với đó, sự xuất hiện của nhóm công cụ hình đĩa kiểu Hoà Bình ở Thẳm Mjà là một yếu tố mới, đánh dấu bước phát triển mới về kỹ thuật cũng như loại hình công cụ so với bộ sưu tập Thẳm Thinh. Tóm lại, bộ sưu tập Thẳm Mjà vừa chứa đựng những đặc trưng kỹ thuật, loại hình điển hình của văn hoá Hoà Bình, vừa bảo lưu mạnh mẽ kỹ thuật loại hình đá cũ, laị vừa có những nét độc đáo mang sắc thái địa phương.
Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, vào kết cấu trầm tích địa tầng, và đối chiếu với những di tích khác trong khu vực, các nhà khảo cổ cho rằng, hang Thẳm Mjà là một địa điểm cư trú của người tiền sử thuộc hệ thống văn hoá Hoà Bình có niên đại cách nay khoảng 10.000 năm.