Hang Thẳm Kít là một thắng cảnh của Vườn quốc gia Ba Bể. Hang cao khoảng hơn 60m so mặt hồ. Cửa hang hình vòm lớn quay về hướng nam chếch tây. Đường lên hang khá thuận tiện. Diện tích lòng hang rộng khoảng hơn 2.000m2, nền hang khá bằng phẳng, chia làm 3 buồng lớn với nhiều ngách nhỏ. Đứng trước cửa hang có thể nhìn thấy hồ Ba Bể rộng lớn ở xa phía dưới.
Qua nghiên cứu kết quả bước đầu cho thấy, dấu tích của người nguyên thuỷ tìm thấy hầu như khắp khu vực hang. Do phần lớn bề mặt nền hang đã bị xáo trộn do hoạt động của con người thời hiện đại, khiến tầng văn hóa xuất lộ ngay trên bề mặt. Cùng với đó, đã phát hiện 53 di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá và chưa phát hiện được dấu tích mộ táng.
Tất cả công cụ bằng đá đều được chế tác từ những viên đá cuội dưới sông, suối. Loại hình công cụ ở đây mang đặc trưng công cụ thời đồ đá thô sơ dùng để chặt, đập, có rìa lưỡi ngang, rìa lưỡi xiên chéo, mũi nhọn... Đoàn khảo sát đã tìm thấy một số hòn ghè cùng nhiều mảnh tước nhỏ. Tất cả công cụ bằng đá được tạo tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo còn thô sơ, ghè trực tiếp hạn chế phần rìa lưỡi, chưa xuất hiện việc tu chỉnh công cụ và không tìm thấy công cụ có dấu mài và bàn mài. Cùng với những di vật đồ đá trên là dấu tích của nhiều xương, răng động vật đã bán hóa thạch.Việc tìm thấy nhiều xương động vật bán hóa thạch và những dấu tích còn lại cho thấy hoạt động săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người tiền sử nơi đây. Sự có mặt của nhiều hòn ghè, đá cuội nguyên liệu, đá có vết ghè và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công công cụ được tiến hành tại chỗ.
Dựa vào nghiên cứu tổng thể kết cầu trầm tích địa tầng văn hoá và các di vật khảo cổ, các chuyên gia nhận định rằng, hang Thẳm Kít là một di tích cư trú của người tiền sử, có thể có niên đại sớm hơn văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá cũ.