Thác Tát Mạ - một viên ngọc tự nhiên tại xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, mênh mông trải dài. Tát Mạ là tiếng địa phương, “tát” nghĩa là “thác”, còn “mạ” nghĩa là “ngựa”.
Tương truyền rằng, ngày xưa cứ mỗi khi trời sắp nổi cơn giông, mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm thì từ dòng thác phát ra những âm thanh kỳ lạ nghe như tiếng của một đàn ngựa hý. Từ những không gian, âm thanh huyền bí đó nhân dân địa phương đặt tên cho thác gọi là thác Tát Mạ.
Từ xa nhìn thấy dòng thác chảy tung bọt trắng xoá như một dải lụa mềm mại chìm trong làn sương bụi mờ trên nền xanh của hệ rừng bán nguyên sinh. Thác không chỉ là sự đổ xuống mạnh mẽ từ đỉnh núi, mà còn là sự luồn lách tinh tế qua những khe đá, tạo ra những tầng bậc như trương điệu của một bản hòa ca đa âm sắc. Mỗi đoạn chảy dòng nước thác được thắt lại bởi các hòn đá lớn nhỏ, suối nước nhỏ hình thành ở mỗi bước tiến. Các khối đá lớn được nước bào mòn mịn màng, thảm cát vàng nằm yên dưới đáp nhận những sóng thác vỗ về, núp dưới bóng mát của những cây cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm tạo thành điểm nghỉ ngơi tắm mát trong những ngày hè oi bức. Dòng thác lần lượt chảy qua thôn Nà Lườn, Nà Cọ rồi gặp suối Tàng Na và Bản Mán, sau đó tiếp tục chảy ra sông Tà Lèng về Hồ Ba Bể. Dòng nước trong vắt tự nhiên, qua bao tầng đá, làm cho từng viên sỏi trở nên rõ nét. Dòng nước trong lành cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân trong vùng, tạo nên một vẻ đẹp thanh bình đặc trưng của vùng nông thôn miền núi.
Thác Tát Mạ không chỉ là một điểm du lịch tự nhiên, mà còn là một bức tranh tự nhiên sống động, lôi cuốn những tâm hồn thích khám phá và đắm chìm trong vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên.