Đon Pán là di tích lịch sử kháng chiến. Hiện nay, di tích nằm ở trên đồi đối diện UBND xã Cao Thượng, cách khoảng 1km. Bên dưới chân đồi là ruộng và nương rẫy của nhân dân địa phương. Di tích nằm trên bãi đất bằng của đồi Đon Pán. Theo nhân dân địa phương, đây là quả đồi rậm rạp, hoang vu nằm tại Khuổi Tầu, Xã Cao Thượng huyện Ba Bể. Từ thị trấn Chợ Rã đi theo đường 279 đến điểm di tích khoảng 16km.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các cơ quan đầu não của ta đã lần lượt rời thu đô chuyển về căn cứ địa Việt Bắc để hoạt động. Trong thời gian này, huyện Chợ Rã (Ba Bể ngày nay) đã trở thành một trong những điểm của tỉnh thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giúp đỡ và bảo vệ các cơ quan trung ương chuyển đến, trong đó có Đài tiếng nói Việt Nam.
Năm 1947, Đài tiếng nói Việt Nam được chuyển đến lắp đặt tại bản Vài, xã Khang Ninh và đây là điểm đầu tiên của Đài đóng tại huyện Ba Bể. Ngày 17/10/1947, Pháp tấn công vào Chợ Rã, Đài chuyển sang Đon Pán trên một quả đồi rừng cây rậm rạp, không có nhà cửa. Trụ sở này được gọi là khu Lý Thường Kiệt, gồm 02 bộ phận chính (bộ phận thông tin và bộ phận sửa chữa) và dựng thành 3 lán. Đài tiếng nói Việt Nam đặt trụ sở và hoạt động ở Đon Pán được 7 tháng thì bị thực dân Pháp xác định được vị trí nên phải chuyển sang địa điểm khác.
Hiện nay, tại điểm di tích không còn hiện vật gì, chỉ có cây đa cổ thụ làm căn cứ để xác định vị trí khu đặt trụ sở của Đài tiếng nói Việt Nam.